Cục Xuất nhập khẩu nhận định xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm không cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng mức tăng liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7 cho thấy ngành gỗ đang có dấu hiệu phục hồi.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Côn Thương) trong tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3% so với tháng 6 nhưng giảm 15% so với tháng 7/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 747 triệu USD, giảm nhẹ so với tháng 6 và giảm 13% so với tháng 7/2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 do các thị trường chính chịu tác động nặng nề bởi lạm phát, người tiêu dùng dành sự ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu hơn đồ gỗ.
Thực tế, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ không cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng mức tăng liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7 cho thấy ngành gỗ đang có dấu hiệu phục hồi.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết hiện một số doanh nghiệp trong ngành gỗ đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới, đây là tín hiệu tích cực đối với ngành gỗ.
Nhận định về triển vọng ngành gỗ 5 tháng cuối năm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết đã thấy tín hiệu phục hồi kinh tế ở Mỹ, thị trường chính của Việt Nam, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ.
Cụ thể, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho thấy tăng trưởng GDP (số liệu điều chỉnh lần thứ 3) là 2%, tăng từ mức 1,3% công bố đợt tháng 5 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các cơ quan phân tích. Dữ liệu mới đã góp phần khiến bức tranh kinh tế của Mỹ giai đoạn đầu năm trở nên khả quan hơn.
Bên cạnh đó, giữa tháng 7 vừa qua DOC đã công bố quyết định sơ bộ quyết định điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Do vậy, Chủ tịch Viforest dự báo khả năng các mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại.
Những tín hiệu tích cực đã xuất hiện, tuy nhiên ngành gỗ vẫn phải đối mặt với những trở ngại như áp lực về điều tra phòng vệ thương mại; vấn đề chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong thời gian tới.