Đơn hàng xuất khẩu gỗ nội thất đang bắt đầu trở lại từ cuối quý 2/2023, mặc dù chưa phục hồi mạnh. Thị trường chính của Việt Nam là Mỹ bắt đầu nhập số lượng các sản phẩm từ gỗ, thị trường Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang phát triển ổn định và có nhu cầu nhập thêm các sản phẩm nội thất…
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn lạc quan có thể cán mốc xuất khẩu 14 tỷ USD vào cuối năm khi các doanh nghiệp bắt đầu đón thêm một số đơn hàng mới.
DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN TRONG 5 NĂM TỚI
Ngành chế biến gỗ và nội thất những tháng đầu năm 2023 đón nhận những con số không tích cực, dù đã được dự báo từ cuối năm 2022 nhưng việc thiếu đơn hàng khiến các nhà máy phải giảm công suất, giảm lao động thậm chí là làn sóng trả mặt bằng, nhà xưởng…
Kết quả khảo sát sơ bộ với các doanh nghiệp mà Hội mỹ nghệ – chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thực hiện cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng tại các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình 30%. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.
Đây là tin vui cho ngành gỗ Việt Nam đã được ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA chia sẻ tại “Diễn đàn Công nghiệp Gỗ và Nội thất Việt Nam”, chiều ngày 28/7/2023.
Cho rằng khó khăn giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời, chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai nhận định, ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới.
“So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn”, ông Trai nói.
Bà Trần Như Trang, đại diện chương trình SIPPO Việt Nam, chia sẻ cụ thể về tình hình hồi phục của tốp 5 thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác. Đáng mừng là không chỉ có tín hiệu tích cực về tăng trưởng sản lượng, mà còn xuất hiện nhiều xu hướng và yêu cầu mới từ các thị trường này.
Thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội cung ứng sản phẩm cho một số nước Trung Đông. Đây là tín hiệu đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với ngành nội thất của Việt Nam, tạo cơ hội cho ngành này hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu.
ĐÁP ỨNG TIÊU CHUẨN MỚI
Sự hồi phục của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada và nhiều quốc gia khác, khi người tiêu dùng bắt đầu quay lại các cửa hàng mua sắm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là những thị trường này cũng đặt ra những yêu cầu cao về cam kết giảm thiểu carbon Netzero. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam phải tập trung vào việc sử dụng nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất bền vững, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường.
Tại thị trường châu Âu cũng đang định hình xu hướng tiêu dùng của ngành gỗ nội thất khi chiếm tới 2/3 thị phần của các mặt hàng cao cấp nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu về tiêu dùng bền vững, yêu cầu ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam phải cải tiến và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và trách nhiệm doanh nghiệp.
Để chinh phục những mục tiêu bền vững và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam cần phải xác định chiến lược mới.
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm để tăng tính cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của các thị trường khó tính.
Thứ hai, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đưa ra những sản phẩm có thiết kế sáng tạo và độc đáo, thích ứng với gu thẩm mỹ đa dạng của người tiêu dùng.
Định vị lại tầm nhìn phát triển cho ngành nội thất Việt Nam trong bối cảnh mới, bà Phạm Thị Ngọc Thủy , Giám đốc Ban IV cho hay những thách thức mới về thị trường liên quan đến Tiêu chuẩn về gỗ của Liên minh châu Âu (European Union Timber Regulation – EUTR) hay mục tiêu Net Zero cũng sẽ giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành vươn xa hơn, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ khối ngoại.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký HAWA, về công tác phát triển bền vững, đó là một thách thức nhưng cũng là cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Có thể đến năm 2028, ngành gỗ mới thực sự phải đối mặt với bài toán giảm phát thải.
“Hiện nay, chúng tôi đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang truyền thông cho doanh nghiệp có một bước chuẩn bị cho giảm phát thải. Chính phủ cũng đang xây dựng các chính sách. Tôi nghĩ tận dụng cơ hội này là điều hết sức quan trọng trong xây dựng ngành công nghiệp gỗ nội thất phát triển bền vững”, ông Phương nhấn mạnh.
Thúc đẩy xuất khẩu gỗ nội thất cũng cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu của từng thị trường. Nâng cao năng lực quản lý chất lượng và vận hành cũng là một yếu tố quan trọng để duy trì uy tín và đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của các thị trường khó tính.
Việc đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu gỗ nội thất Việt Nam trên thế giới là cần thiết. Sử dụng các kênh truyền thông hiện đại và công nghệ số sẽ giúp tiếp cận đến đông đảo khách hàng tiềm năng và tạo dựng hình ảnh đáng tin cậy, chất lượng cao cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.
Ngoài ra, việc tạo lập các mối quan hệ đối tác đáng tin cậy với các công ty, nhà phân phối và đại lý quốc tế cũng sẽ giúp mở rộng thị trường và tiếp cận được nhiều đơn hàng hơn.
Đặc biệt, cần tăng cường giao lưu và hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành gỗ của các quốc gia có truyền thống sản xuất và tiêu thụ gỗ lớn, để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu.