Một câu chuyện gây chú ý suốt một tháng qua, đó là việc Công ty Leglor, sau 6 lần gửi công văn kiến nghị đến lãnh đạo UBND TP.HCM, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng 2 công văn đề nghị gặp mặt lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, cuối cùng cũng đạt được mục tiêu của mình, đó là trình đề xuất hoàn thuế giá trị gia tăng lên Cục Thuế TP.HCM và sẽ ký ngay lập tức.
Dù vẫn đang chờ quyết định hoàn thuế nhưng đi được tới bước này, theo đại diện Leglor, cũng là kết quả đáng mừng sau thời gian chờ đợi vì ước tính, số thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp đã nộp sau gần 2 năm cần được hoàn lại lên gần 30 tỷ đồng, số tiền rất lớn với một doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện tại.
Có một nghịch lý ở đây, đó là kể cả có đơn hàng, công ty cũng khó để lên kế hoạch sản xuất và xuất khẩu được vì thiếu vốn, vì làm càng nhiều công ty càng thua lỗ do tiền hoàn thuế giá trị gia tăng bị “tắc” càng nhiều.
Trong suốt thời gian qua, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách cho doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản được giãn nợ, lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội trong bối cảnh xuất khẩu giảm mạnh và khoảng 3.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn trả.
6.100 tỷ đồng là một con số rất lớn, một nguồn vốn đầu tư nội tại quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua được trở ngại và khó khăn khi thị trường thế giới biến động liên tục và gặp nhiều khó khăn.
Nguồn vốn có thể coi là mạch máu của doanh nghiệp, khi vốn bị “chôn” vì chính sách quản lý, “cơ thể doanh nghiệp sẽ yếu ớt”, và ở đó không chỉ là số phận của một doanh nghiệp, một ngành hàng, mà còn là số phận của hàng trăm người lao động ở phía sau.
Vì thế, cần có sự khai phá hợp lý để thúc đẩy dòng tiền luân chuyển, thúc đẩy sự hồi phục của sản xuất, kinh doanh. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tin rằng, những lo lắng của Bộ Tài chính về việc coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, vì có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu là chính đáng.
Nhưng ông Lập cũng chắc chắn một điều rằng, đa số các doanh nghiệp ngành gỗ đều làm ăn chân chính, vì vậy Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm, đồng thời có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đặc biệt, ông cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm nay, đồng thời có chính sách cho doanh nghiệp được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm nay.
Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị, cần có sự cởi mở hơn nữa từ chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp gỗ, để tạo ra động lực và có nguồn vốn phát triển.